Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

TRONG CƠN MƯA TRÁI MÙA

thường quen
những cơn mưa xối xả
những ngày mưa dầm dề
mái nhà nép cơn mưa xuyên chéo
khóc những giọt nước rơi trời đất
nhìn con lũ xô đổ ngọt bùi                
cuốn phăng niềm tin hy vọng trước mặt
chỉ có nước và mưa
chỉ có người và nước mắt 

những giọt nước trái mùa có mát không
những cơn mưa trái mùa có phải là nước
tất cả nghĩ rằng
câu hỏi kia vơ vẩn
câu hỏi đặt ra trong lòng người có tâm trạng
về những giọt nước trái mùa
về những cơn mưa trái mùa

cơn mưa trái mùa gieo vào lòng
không đủ ẩm không đủ làm thấm áo
đôi khi đọng vào giận dỗi
về cơn mưa nằm ngoài mong đợi
cũng là giọt nước
cũng là cơn mưa

nhìn kĩ cơn mưa trái mùa
giọt cứ rơi ở độ căng bề mặt
giọt cứ lành trong bình thản mây tan
giọt cứ vỡ trong độ cứng đơ mặt đất
lác đác lộp độp
lướt qua rơi rơi
những con mắt nhìn mưa
những lời nói với mưa
về một cơn mưa như thế

chỉ giọt nước trái mùa
mới hiểu được mưa
hiểu được tâm can khoảng không chứa đựng
sẽ có điều gì đó với cánh đồng với tấm lòng
nhà nông trọc tỉa gieo trồng
cơn gió ở rất xa ngọ nguậy
elnino lanina
mưa cảm được
thở dài thườn thượt
ám ảnh về giọt nước

khi những quy luật tự nhiên vận hành nhàm chán
thì cơn mưa trái mùa như một duyên cơ
không ướt người nhưng ướt
lòng thấm đẫm
bỗng dưng
vui không vui
buồn không buồn
trong cơn mưa trái mùa
búng vào giọt nước

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

BỖNG DƯNG HỨNG NGHE HÁT CHÈO TRÊN TIVI

“tôi hát xuôi cũng được mà tôi hát ngược cũng hay”
lời ca không phân biệt đúng sai
chắc chắn một điều không dở

tôi lần theo ngọn gió
nghe câu ca láy hơi trong cổ
đậm đà miền quê đồng bằng bắc bộ
ấm áp bến nước sân đình
lời hài hước giễu cợt
và cả những lời ngọt bùi chua chát
lay động tâm hồn
thời không thứ nào hơn
cả năm mới được nghe vài lần chèo hát

bây giờ, người nghe chèo ít
càng ít hơn người đeo bám dòng nhạc cổ truyền
những người hát chèo vừa hiếm vừa dũng cảm
giữa thị trường ca nhạc sôi động
giành giật đất sống
đua chen thành ông hoàng, diva
lắm tiền khoe của
nhố nhăng khả ố
tiếng sáo tiếng nhị mắc kẹt giữa nhạc cụ điện tử
duyên dáng mớ ba mớ bảy chóng mặt trong sexy gào thét
hề chèo khóc cười dở dang
lập cập diễn nhầm lời xình chát

tiếng trải lòng của trăm năm ngàn năm trước
người dân lấm láp đất bùn
ông quan khăn xếp áo the đi guốc mộc
oai đến cùng ngồi kiệu nhong nhong
không hợp thời văn minh công nghiệp tri thức
than vãn thành hội chứng
kêu cứu thành mưu cầu
còn mất ngoảnh mặt
bảo tồn hiện hữu
xưa
nay

tôi là sản phẩm giao mùa giữa cũ và mới
cố ngồi xem cho hết tích chèo
những điều dạy bảo một thời là chân lí
bây giờ đã có những đổi thay
khư khư níu kéo
giãn dây…

đợi đấy, sự đời còn phía trước
ai cứ cười đi rồi khóc không chừng
mất í i lòng nuối tiếc
còn xập xình chát chúa trên không
mấy ai bỏ thời gian
trầm tư nghe luyến láy yêu thương một thuở

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

NÉM CÁI NHÌN VỀ NƠI XA NGÁI

 bàn tay cầm thứ nhỏ thứ to thứ có thứ không
ném thia lia trên mặt nước
ném cái nổi, chìm xuống                                                                    
phía nhặt lên mù mờ hư thực
cứa da thịt, đứt mạch, máu loang
những thứ bỏ đi khoảnh khắc thành rùng rợn
người ồn ào lặn mất
sủi bọt ở dòng sông

phía này nhìn về phía ấy có xa không
miệng thì hỏi lòng cứ xa vời vợi
khoảng cách đo bằng cái nhìn cách ném
hoang đường giữa thật và ý thức căn nguyên
choáng choàng ném ánh sáng lấy màn đêm mềm mại
rồi lại ném màn đêm lấy ánh ngày bội bạc
thôi đành, ném cái nhìn phía trước

nghe róc rách nước ném qua vách đá
nghe xào xạc gió ném vào rừng cây
vần vũ mây đen ném trong không gian
trời vui buồn ném mưa ném nắng
nơi ẩn hiện ném cái nhìn về phía ấy
phía vứt được nỗi niềm
nơi đọng lại vết đau
đám đông chen nhau tìm đường sám hối
mất hút bằng lời trái ngang

ta nhìn thấy cái nhìn trong mắt
lúc đục lúc trong lúc đỏ ngầu hiện trên khuôn mặt
phảng phất hình dáng
sâu thẳm tận cùng
chênh vênh
giữa vô hình vạn kiếp
cái nhìn đi ra, nước mắt rơi vào cái nhìn mới tới
hỗn loạn, chu du đi tìm của lạ
tìm người bắt bạn thân quen
tìm một chính danh trong bủa vây ngột ngạt

ném cái nhìn rồi loay hoay tìm kiếm cái nhìn
nơi phỉ báng từ thời mở mắt
già nua rồi mới hoang mang nơi ấy là sự thật
dối trá cười trên tiền bạc
giả danh nói vào hư vô
mờ mờ bóng đen như qủy đói
nhìn phía này mắt thấy tai nghe
nhìn nơi ấy chưa bao giờ được biết
phía hoàng hôn hay phía thiên đường quyến rũ
                          
ta bẻ cái nhìn thành từng mảnh
ném thia lia trên dòng sông không gian
có thể phải chia tay nhiều thứ
có thể đau đớn do vô tình hay cố tình cũ mãi
dại khôn! ném cái nhìn về nơi ấy

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

QUẪN QUANH CHỮ NGHĨA VẼ VỜI

cũng như bao khúc gỗ chặt hạ trên rừng
ghế nhận về mình phần may mắn
có những khúc gỗ đẹp chắc hơn
nằm dưới đất bị mối mọt phá hủy
và những thân cây bị đốt
trơ mình thành cục than

ghế mỉm cười
nghe giọng khề khà
ngồi xuống vui reo
êm mềm dễ chịu
vỗ tay, cảm ơn nhiều
gật đầu thoải mái
ghế không hết hồn vía
như lưỡi dao chặt ngã hôm xưa

ghế lựa chọn
giơ tay
hắn ôm ghế
ghế ôm hắn            
dẫu gỗ mít
dẫu trống rỗng và nhiều xôi thịt

ghế mỉm cười lựa chọn
nói không với chữ nghĩa
thân xác hắn gồ ghề góc cạnh
ngồi xuống là đau
làm trầy xước mặt
chữ nghĩa xương chẳng bao giờ mập mạp
lúc thẳng tưng mổ xẻ
khi làm bồi
đi tìm trang giấy trắng
đi tìm bàn phím
viết gõ cho vui
quẫn quanh chữ nghĩa vẽ vời

chữ nghĩa thấm thời gian nhòe nhoẹt
bị ghế chối từ bị con chữ bỏ đi
chữ về đồng quê
chữ cày chữ cấy
cho bác nông dân cười
chữ vào nhà máy
rộn ràng thay ca
cho chị công nhân hát
chữ sống tươi tốt
trong cuộc đời thực và thế giới phẳng
ghế vui ở lại
bên tai om xòm

thị trường
dán trên mình đủ mác
ghế cho hắn dọa nạt múa mép
cho hắn luôn đúng mọi lúc mọi nơi
nhiều chữ thông minh
ghế mỉa mai sống mòn kiếp kiếp
ghế lên đời
hết gỗ đến nệm mút
hết đứng im đến xoay tròn

chữ nghĩa nhẹ tênh
ghế cầm không nỗi
ghế ngồi nặng trĩu
chữ nghĩa thổi bay

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

VƯỢT VŨ MÔN

mưa xối xả    
nước tràn hồ ao ruộng đồng
cá tung tăng
thả bong bóng nở loang mặt nước
sóng trắng xóa tung lên

bơi ngược dòng chảy xiết
đuôi quẫy đạp lao lên phía trước
chép quăng thân vượt vũ môn
mưa thưa dần giọt rơi tí tách
vũ môn đọng đầy lớp vẩy cuộc đua

vượt qua vũ môn những con chép hóa rồng
ở trên cao vẫn còn mùi hôi tanh bùn ao hồ sông nước
chép mở mồm ngáp
không gian ơi ẩm độ thấp thế này
chép khuẩy vây nước ở đâu hả nước
chép mở mồm ngáp
hay dở kệ trời mây

không vượt qua vũ môn những con chép không hóa thành rồng
lặn sủi tăm về cầu ao bến nước
nhớ vết đau ngày trước
chép ngoi lên hớp ánh mặt trời
thấy trần gian úp nơm đánh giậm
thấy ruộng đồng nứt nẻ khô hạn

chép hóa rồng thành linh vật tưởng tượng trên không
nói lời mây mưa
“bao giờ trở lại ngày xưa”
chép không vượt vũ môn sống ở miền sông nước
cùng bạn bè đùa vui ca hát
nói đúng giọng của mình
đi bằng đuôi bằng vây
thở bằng mang
chép khóc
âm thanh nổi bọt thành nước mắt
chia sẻ với nhân gian

mặt nước lặng im
những con chép quẫy mình nơi dòng đục dòng trong
đám mây trên không tạc một nét rồng
đàn chép lượn lờ đớp bóng

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

NHÌN LẠI

thời gian nhìn lại
bao đau thương mồ hôi nước mắt
hành trình được mất
lòng tự trọng khí phách nơi nao
ngày vui ngày buồn cộng thành nhân cách

không và không
chịu khổ chịu nhục
sầm sập suốt con đường
ngực lấp lánh sắc màu lòe loẹt
vinh quang ám ảnh
anh hùng máu xương
nhắm mắt kinh hoàng
ngàn lần không thể được

không biết gật đầu giữa chốn đông vui
không ngợi ca chiến công hiển hách
không khen người đi vào sử sách mà dưới chân chất vạn xác người
ngu ngơ làm việc i tờ đứng về phía thường dân đói khổ
thương ruộng đồng cây lúa cõng trên lưng cả vạn lòng tham
thương con chim không có bầu trời để hót không có nơi làm tổ
thương con cá con tép chẳng có hồ nước để bơi
thương bầu không khí muốn sạch không được
thương tấc đất uất ức ra đi

chẳng thèm giao tiếp mang hơi ấm vinh thân
không ham thương trường lấy lâu dài lợi ích
không mua lòng người được tình thương trời bể
không gió để lặng im đón gió
chân thật giữa đời

mọi thứ sẽ qua
đánh đổi này bằng đánh đổi khác
gần hơn bản chất giống nòi
thanh thản
nghe
tiếng thời gian
gọi……

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

NGUYỄN DUY ký gửi một gã hề chèo trong thơ

Gã hề chèo trong thơ Nguyễn Duy luôn hiện diện trước ta, bên ta để lố bịch hoá, nhếch nhác hoá, hài hước hoá  những gì trái tim day dứt, xót xa và chia sẻ. Gã luôn luôn phóng cái nhìn tinh quái vào mỗi cảnh ngộ, mỗi thân phận, mỗi chi tiết đời sống để phát giác cái cơ chế trần thế, lật tẩy cái tâm địa trần gian, phơi bày cái nhếch nhác đời thường ở đằng sau tất cả những gì mà Nàng thơ xua, thi sĩ Nguyễn Duy xưa quen mỹ lệ hoá, kỳ diệu hoá, thiêng liêng hoá. Toàn bộ khẩu khí thơ Nguyễn Duy, tạo nên phong cách độc đáo thơ Nguyễn Duy là khẩu khí của gã hề chèo bên ngai vàng khi chia sẻ cùng Vua những điều nghiêm túc, thiêng liêng. Cương vị của gã cho phép gã tự do bôi bác, bôi bác là sứ mệnh của gã, nhưng đó là một sứ mệnh thẩm mỹ kép vừa chống lại thói cường quyền hình thức và đạo đức giả là ký sinh trùng của cái thiêng liêng cao cả, vừa làm mềm mại và gần gũi những gì là cao cả, thiêng liêng để cho nó được tẩy sạch những khí vị sách vở, lý thuyết và trở nên gần gũi, chân thật, đáng tin.



GÃ HỀ CHÈO TRONG THƠ NGUYỄN DUY

ĐỖ MINH TUẤN

Nguyễn Duy bước vào vương quốc thơ với câu hỏi ngơ ngác, ngẩn ngơ trước sức sống xanh tươi sinh động của cuộc đời : "Tre xanh, xanh tự bao giờ?". Câu hỏi ấy, ai ngờ lại vận vào anh, trở thành câu hỏi kỳ thú về thơ anh "Thơ anh xanh tự bao giờ". Từ bao giờ thơ Nguyễn Duy rung rinh màu xanh của sự sống đầy tiềm lực trên cái gốc suy tư cằn cỗi già nua? Từ bao giờ những bộ xương khái niệm của thơ Nguyễn Duy buổi đầu bỗng nhiên hồi xuân như những cây xương rồng gai góc đột nhiên bừng nở những bông hoa dịu dàng tươi tắn?

Ta không thể có câu trả lời chính xác về sự hồi xuân ấy, nhưng chắc chắn, ngày đó là ngày sinh của gã hề, một gã hề chèo với tiếng cười đau đớn và bông lơn, nghịch ngợm mà nghiêm túc, chọc phá mà đôn hậu. Trên sân khấu thời đại, mang cảm thức dân gian thấm đẫm chất đời thường, gã hề chèo trong thơ Nguyễn Duy cố đem tiếng cười chắt chiu từ những số phận chân quê với niềm kiêu hãnh nhục nhằn để át đi tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hú gào động cỡn vô tâm, tiếng reo hò, tiếng ca và tiếng khóc ...

Từ sự nghiêm chỉnh đến mức hài hước tới sự hài hước đầy nghiêm chỉnh đó là hành trình rút gọn của đời thơ Nguyễn Duy. Chặng thơ đầu của Nguyễn Duy là chặng thơ nghiêm chỉnh đến tẻ nhạt và nặng nề ở cả hai cực yêu và ghét. Sự nghiêm chỉnh căng cứng và thái quá trong những triết lý hằm hằm, cau có quay lưng về đời sống, tự nó trở nên hài hước. Nhà thơ cố đan tết những chiếc lồng nan tre, những chiếc ổ rơm để săn bắt và mời mọc những ý nghĩa dân tộc, nhân văn. Nhưng những hàng mã thơ buổi đầu ấy chỉ dựng nên những hình nhân mỏng manh và tẻ nhạt thèm một ngọn lửa hoá thân đầy sinh khí của đời. Và ngọn lửa hài hước chợt đến, dần bén, dần loang thiêu rụi những hình nhân triết lý. Từ trong đống tro tàn còn ấm nóng của đám cháy thơ, gã hề chèo xuất hiện trong thơ Nguyễn Duy với những vũ điệu và khẩu khí dân gian đầy ma lực.

Có những khái niệm thiên tài từng khai sáng và giải phóng cho nhân loại, nhưng cũng có những bộ xương khái niệm sơ sài từng trở thành hố chôn hàng triệu mạng người. Đó là những hàng mã lý luận, những hình nộm chân lý, những bùa chú phong kiến ngu dân mà nhân loại đã phải dồn biết bao ngọn lửa chiến tranh và cách mạng mới thiêu được chúng. Nguyễn Duy cũng đã từng tạo ra khái niệm để rồi vượt thoát khỏi khái niệm, nhưng cuộc cách mạng tự diệt, tự sinh ấy lại được triển khai một cách nhẹ nhàng êm thấm dưới bàn tay đạo diễn của gã hề. Từng bước một, lặng lẽ và khôn ngoan, gã hề chèo chống lại sự nghiêm chỉnh, thế chân sự nghiêm chỉnh như một diễn viên xiếc uốn cong mình lại đặt hai bàn chân lên đứng trên vai mình để bật dậy thành một người khác mang cái mũi đỏ hoe, ngộ nghĩnh. Đó là sự kết hợp ảo thuật với uốn dẻo để tự vượt lên, tự phủ định, tự thăng hoa. Và chính bởi vì đôi chân hài hước đó luôn luôn chung với sự nghiêm chỉnh mà nó cần vượt qua một cái đầu thi sĩ suy tư và một mạch máu chân quê, nên khi gã hề chèo hiện diện, gã mang theo chiến lợi phẩm là toàn bộ những ký ức và ấn tượng về cuộc sống dân quê thường day dứt trong  nhà thơ Nguyễn Duy nghiêm chỉnh. Những bụi tre, những ổ rơm, những bà mẹ không còn là những khái niệm, những bóng ma xếp hàng thẳng tắp trong đội hình lục bát như những chiến binh triết lý lăm le tấn công vào tư tưởng, tình thương và trách nhiệm của ta. Dưới bàn tay đạo diễn của gã hề, những bà mẹ, những người vợ, những bến đò, những phiên chợ, những hoa hậu đồng quê...hiện lên trước mắt ta nhẹ nhàng hơn thấm thía hơn, bề bộn hơn nhưng siêu thoát hơn. Giọt nước mắt ngày xưa còn nguyên vẹn trong thơ, nhưng đã trở nên lung linh, sống động và kỳ ảo hơn bởi những luồng sáng ngược tàn nhẫn của cái nhìn hài hước và trở thành một nỗi đau lập thể bởi có thêm chiều kích của đời sống thực và chiều kích của sự tự thú, tự vấn, tự trào.

Gã hề chèo trong thơ Nguyễn Duy luôn hiện diện trước ta, bên ta để lố bịch hoá, nhếch nhác hoá, hài hước hoá  những gì trái tim day dứt, xót xa và chia sẻ. Gã luôn luôn phóng cái nhìn tinh quái vào mỗi cảnh ngộ, mỗi thân phận, mỗi chi tiết đời sống để phát giác cái cơ chế trần thế, lật tẩy cái tâm địa trần gian, phơi bày cái nhếch nhác đời thường ở đằng sau tất cả những gì mà Nàng thơ xua, thi sĩ Nguyễn Duy xưa quen mỹ lệ hoá, kỳ diệu hoá, thiêng liêng hoá. Toàn bộ khẩu khí thơ Nguyễn Duy, tạo nên phong cách độc đáo thơ Nguyễn Duy là khẩu khí của gã hề chèo bên ngai vàng khi chia sẻ cùng Vua những điều nghiêm túc, thiêng liêng. Cương vị của gã cho phép gã tự do bôi bác, bôi bác là sứ mệnh của gã, nhưng đó là một sứ mệnh thẩm mỹ kép vừa chống lại thói cường quyền hình thức và đạo đức giả là ký sinh trùng của cái thiêng liêng cao cả, vừa làm mềm mại và gần gũi những gì là cao cả, thiêng liêng để cho nó được tẩy sạch những khí vị sách vở, lý thuyết và trở nên gần gũi, chân thật, đáng tin. Đó cũng là cách để đau hơn một lần nữa cái nỗi đau của sự chịu đựng, vui cười. Bộ mặt nhăn nhó khi đau được thay  bằng vẻ bông lơn cười cợt, nó có vẻ làm vơi đi nỗi đau nơi kẻ khác nhưng thực tế là làm tăng thêm nỗi đau nơi thi nhân và những người đồng cảm với thi nhân. Cảm thức nhà quê, khẩu khí nhà quê của gã hề đã pha trộn những gì tầm thường gần gũi thô kệch với những gì tinh tế cao siêu, pha trộn những Thượng đế, triết nhân với những bố cu, mẹ đĩ - đó là một kiểu ăn độn truyền thống vừa để dè xẻn những cao lương mỹ vị, vừa để dễ trôi với khẩu vị bình dân.

Nhìn xuyên suốt những bông lơn tếu táo của gã hề chèo trong thơ Nguyễn Duy, ta thấy gã thường tỏ ra ghét lý thuyết và đô thị, gã hay đo đạc lý thuyết và đô thị bằng thước đo riêng của gã để lật tẩy cái ăn gian, cái đua đòi, cái giả tạo, "cân điêu" trong những diễn biến đời thường của xã hội, của gia đình và của chính tâm trí gã. Những gã tỏ ra không phải là người tàn nhẫn, khắt khe và xét nét. Tiếng cười của gã vừa là tiếng cười xót xa  rơi nước mắt trước số phận mình  số phận người thân và số phận nhân dân, vừa là sự khoan dung, tự vấn. Phải chăng, những đối tượng mà gã hề trong thơ Nguyễn Duy nhằm tới châm biếm,  mỉa mai và day dứt cũng chính là những căn bệnh lớn của thời đại - đó là sự lệch pha của những hình thức lý thuyết đạo mạo, thùng thình với thực chất kệch cỡm nhố nhăng của thời buổi đua tranh đô thị hoá bằng tác phong và cốt cách của nông dân? Về bản chất, tiếng cười ấy là một tình thương sâu sắc với con người Việt Nam trong tất cả những gì đẹp đẽ và tật nguyền của nó. Vì thế, khi gã hề chèo trong thi sĩ Nguyễn Duy đem cối xay, ổ rơm chum nước đặt giữa hè phố, đem đèn dầu đặt dưới  đèn nê-ông, đem bàn chân trần đặt trên đường phố của những đô thị văn minh nhất thì đó  là những nỗ lực cuối cùng của gã tấn công vào lý thuyết và đô thị để xé toang những phông màn giả dối, khoa trương và ngộ nhận, giúp ta đối diện với cội nguồn.

Tiếng cười đã tắt, chỉ còn lại những hình ảnh lầm lụi, lam lũ khổ nghèo và rất trớ trêu,tội nghiệp của quê hương ta, tổ tiên ta, đồng bào ta và chính bản thân ta. Sâu sắc quá và nghiêm chỉnh quá. Có lẽ, từ đây, gã hề chèo trong thơ Nguyễn Duy đã kết thúc vai trò của nó, khi nó tỏ ra mệt mỏi và trút khăn cởi áo tìm về những hình hài thiêng liêng, nghiêm túc của cuộc sống, của cội nguồn để hoá thân, ngơi nghỉ, giã biệt chúng ta. Không còn gã hề xưa, thơ Nguyễn Duy cũng khó  bề tiếp diễn. Nhưng cái ngày gã hề rời sân khấu lại chính là ngày gã hiện diện hoàn chỉnh nhất và bắt đầu sống trong ta như một diện mạo riêng, tầm vóc riêng và dáng điệu riêng, không thể nào lẫn được. Đó là phong cách thơ Nguyễn Duy , phong cách của gã hề chèo dân gian - hiện đại và trí tuệ.

Nguồn: lethieunhoncom.blogspot.com