Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

NHÀ THƠ NẶNG LÒNG VỚI TÂY NGUYÊN

Tôi quen biết Mai Thanh Chương và là bạn vong niên từ ngày ông về công tác tại Công đoàn Liên hiệp các xí nghiệp cà phê (nay là Công đoàn Tổng công ty cà phê Việt Nam). Ngày đó, tôi thường ra căn phòng làm việc đồng thời cũng là nơi ở của ông chơi. Ông cần mẫn, lủi thủi sống một mình, cơm niêu nước lọ, bữa đực bữa cái. Thấy vậy, tôi bảo ông đưa vợ con vào hợp lí hóa gia đình, ông chỉ cười trừ và nói lãng sang chuyện khác. Tôi đùa với ông, kiếm một em lo cơm nước để chuyên tâm sáng tác ra tác phẩm để đời. Ông cười thoải mái, bảo, đó cũng là ý hay. Khi nghỉ hưu, ông vẫn một mình ở Dak Lak một thời gian. Sau đó, Mai Thanh Chương ra Bắc sống với vợ con; bạn bè mừng cho ông…
Mai Thanh Chương tốt nghiệp khoa ngữ văn trường Đại học tổng hợp Hà Nội năm 1962. Năm 1966, Mai Thanh Chương đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi thơ của Báo văn nghệ (Hội nhà văn Việt Nam). Đối với người làm thơ thì đó là cả một ước mơ. Cứ tưởng với đà này Mai Thanh Chương sẽ làm nên “chuyện”; nhưng không, nhà thơ vẫn lặng thầm viết về con người, đất nước và những vùng quê đã đi qua. Nhà thơ Hữu Chỉnh phác họa về Mai Thanh Chương “Niềm yêu say đã làm nên thơ anh và cũng làm nên sự ngu ngơ chìm nổi, chịu thiệt thòi giữa dòng đời xô đẩy”.
Những năm tám mươi của thế kỉ 20, Tây Nguyên, vùng đất mới giàu tiềm năng, Mai Thanh Chương tha hồ tung tẩy ngòi bút để viết nên những câu thơ rừng rực khí thế của người mới đặt chân đầy hứa hẹn. Đi đến đâu nhà thơ có thơ đến đó; có người chẳng cần hỏi, chỉ đọc thơ là biết Mai Thanh Chương đã đến chỗ nào và đọc tên bài thơ cũng biết ngay điều đó: Cánh đồng buôn Lớt tháng giêng, Giữa rừng Krông Pach, Đêm Drai H’linh, Chiều ở EaTull, Cầu máng qua khe ở Dakuy, Sáng ở Pleiku, Trở lại buôn Trấp…Tôi cứ hình dung, hầu như tất cả sáng tác thơ của nhà thơ Mai Thanh Chương về Tây Nguyên là tập bút kí thơ ghi lại cuộc sống sôi động của con người, cảnh vật những nơi nhà thơ đã đi qua, đã ở, đã chuyện trò. Những câu thơ, bài thơ đằm thắm, chân chất, những cảm xúc thật bật ra từ những địa danh cụ thể, con người cụ thể, công việc cụ thể. Mai Thanh Chương thổi hồn vào con chữ làm cho cuộc sống trong thơ mềm mại, uyển chuyển hơn. Lô gích thơ thực tế và nhà thơ không thoát được thực tế. Mai Thanh Chương không thuộc tạng ngồi nhà tưởng tượng mà viết. Vì thế, nhà thơ hay đi và quan sát tỉ mỉ đến từng chi tiết của đời sống: “người tấp nập đến vườn ươm nhận cây giống/bò choãi chân leo dốc kéo cây con/cán bộ khoán đứng đầu lô tính đếm/kiểm tra đồng, giám đốc cúi lom khom”. Nhà thơ qúa đắm đuối vào thực tế đời sống mà quên phát huy trí tưởng tượng, tư duy sáng tạo để thơ hồn hơn, lay động hơn, lôi cuốn người đọc. Thơ Mai Thanh Chương vần điệu đều đều, thơ cứ mô tả, thơ vẽ cái bề ngoài chan chứa lấn át đi cái cảm bên trong ân tình, sâu lắng. Thơ Mai Thanh Chương chân thật như con người nhà thơ vậy, chưa có cái bâng quơ dễ thương dễ ghét; chưa có cái hay mà khi đọc thấy hay nhưng không lí giải được. Thơ Mai Thanh Chương cứ nói thật lòng với bản thân với cuộc đời; âu, đó cũng là cái đáng qúy của thơ! Nhà thơ Mai Thanh Chương để lại cho người đọc những kí ức sôi động, ồn ào. Với độ lùi thời gian, giở những trang thơ Mai Thanh Chương để so sánh giữa qúa khứ và hiện tại sẽ cho người đọc một nhận xét nhất định bằng một hằng số chẳng hạn.
Thơ Mai Thanh Chương nặng về cái tình dàn trải, tham lam với công việc hơn là chắt lọc, chưa sâu lắng đến độ sửng sốt, bất ngờ. Đọc thơ Mai Thanh Chương cảm nhận cả bài, ít có câu hay, như: “bò đi vàng như vệt nắng chiều trôi”. Người đọc nhớ thơ Mai Thanh Chương là nhớ về hình ảnh nổi trong mỗi bài thơ ông viết; đến thác thì nhớ bài thơ Thác Khói: “khói dâng cuồn cuồn mờ sông lặng/khói tỏa ngàn cây nghi ngút hơi”; đi qua quốc lộ 14 thì nhớ Mùa gieo trỉa ven đường 14: “đường 14 đôi bên xanh ngợp lúa/đậu lạc xum xuê trắng xóa cờ ngô”…
Mai Thanh Chương viết nhiều nhưng chỉ ít thơ xuất bản trong tập thơ in chung Hương Đồng (NXB tác phẩm mới); một số chùm thơ in chung trong tác tập thơ của Hội VHNT Dak Lak và in riêng tập thơ Nắng Muộn (Hội VHNT Dak Lak-1995). Kể cả thơ in thành tập và thơ in rải rác trên các tạp chí, báo trung ương, địa phương, người đọc khó tìm được sự bứt phá, sáng tạo hay tài năng trong thơ Mai Thanh Chương, bù lại là sự mộc mạc, chân thành mang đậm tình yêu thương con người, hướng về người lao động một nắng hai sương, và tình yêu thiên nhiên tha thiết. Mai Thanh Chương yêu thơ, gắn bó với thơ, sáng tác thơ đối với nhà thơ như một nhu cầu. Cuộc đời nhà thơ Mai Thanh Chương lúc vui lúc buồn, lấy thơ làm bạn tâm giao, không cầu mong danh lợi và danh lợi cũng không đến với nhà thơ. Bao nhiêu năm thoát ly, bao nhiêu năm làm thơ đã vận vào Mai Thanh Chương: “vẫn trần thân trụi hai tay trắng/nhòe nhoẹt niềm vui đậm nỗi sầu”.
Thơ cuốn hút con người, có người bị thơ thôi miên dứt ra không được. Cuộc đời không có thơ cũng chẳng sao, có thơ chắc vui hơn, thi vị thêm cuộc sống. Mai Thanh Chương là nhà thơ như thế: “Dứt ra? Dứt nỗi bao giờ/Dòng đời trong đục đôi bờ long đong/Giã từ ư? Chẳng nỡ lòng/Cứ đi cho đến tận cùng. Thế thôi!”
Nhà thơ Mai Thanh Chương đã đóng góp nhất định và có ý nghĩa đối với văn học Dak Lak nói riêng và văn học Tây Nguyên nói chung, được bạn bè, người yêu thơ ghi nhận; đó cũng là niềm vui sướng của nhà thơ.