Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

TRÂU

trâu sống ở rừng, đầm lầy, len lõi trong hang hố. trâu khinh bạt mọi thứ. mắt trâu trắng dã hung tợn. trâu rống lên ghê rợn

trời xui đất khiến, trâu về sống với đồng quê, sẻ chia gánh nặng trần gian. trâu đi cày đi kéo. trâu khỏe vượt lên chính mình, băng băng trên cánh đồng khô hạn, ngập úng

trâu cùng nhà nông làm ra hạt thóc củ khoai. bạc bẽo thay, trâu ăn rơm ăn cỏ. căng bụng, trong miên man trâu ợ ra nhai lại

hết ngày này đến ngày khác trâu nhai lại nhàm chán. trâu nảy sinh ý định đổi đời, không nhai lại nữa. trâu không gặm cỏ. trâu bắt đầu tập ăn cơm có thịt có cá

một ngày đẹp trời đầu óc trâu sáng láng

tiếng rống của trâu vo mãi vo mãi thành tiếng nói ú a ú ớ. đầu tiên trâu nói cho trâu nghe. lâu dần, trâu nói cho trời đất nghe. nói mãi nói mãi, giọng trâu tròn vành rền vang. trâu nói ở bờ đê bãi cỏ để gió thoảng qua. trâu nói vào micro để hò reo ở lại. cuối cùng trâu nói ra rã trên mây được truyền trong không gian vô tận

ngày trước, không gian trong lành nhiều oxy dễ thở. từ ngày trâu nói, không gian loãng ra, chứa chật âm thanh inh ỏi. không gian bịt tai mà vẫn thủng màng nhĩ. không gian bị điếc chẳng còn nghe trâu nói. những mĩ từ nhàu nát trâu thả vào không gian vất vưỡng

một ngày xấu trời đầu óc trâu choáng váng

bác nông dân bắt ách vào vai, trâu trở lại kiếp cày kéo. trâu trở lại dáng vai u thịt bắp. lúc này trâu mới thấy mình làm công việc đúng sở trường. không gian vui nhộn trở lại, cỏ cây xanh tốt. trâu thảnh thơi đứng ngẩng đầu nhe răng gọi gió

trâu nói một câu trước khi mất tiếng: đồ nhố nhăng, vơ vẩn

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

NVTPHCM- Sau khi Diễn đàn xây dựng Hội của báo Văn Nghệ TP.HCM đăng bài viết của nhà thơ Lê Tú Lệ mà trang NVTPHCM có đăng lại, nhà thơ Lê Quang Trang đã thay mặt Ban Thường vụ Hội Nhà văn TP.HCM có văn bản phản biện bài viết trên và đăng trên báo Văn Nghệ TP.HCM số ra hôm nay, 21.5.2015. Xin giới thiệu toàn văn bài viết đến các nhà văn và bạn đọc.

Bàn tròn xây dựng Hội:

Không chỉ là tấm lòng chung chung


Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 352 ra ngày 7.5.2015, có đăng bài viết “Hội Nhà văn thành phố cần lắm những tấm lòng” của tác giả Lê Tú Lệ (Hội viên Hội Nhà văn thành phố). Nghĩ rằng “trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng”, như lời mở đầu chuyên mục, Ban Thường vụ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh hoan nghênh và cảm ơn những góp ý của hội viên, với mong muốn có thêm nhiều điều bổ ích cho việc phát triển Hội. Tuy nhiên, sau khi đọc bài báo, chúng tôi thấy có một số nhận định thiếu khách quan, không thoả đáng, vì vậy xin trao đổi lại vài điều:

1. Nhân phê phán Hội Nhà văn thành phố, chị Lệ nêu việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, yêu cầu mọi người phải biểu thị thái độ và lòng yêu nước theo cách “biểu dương lực lượng” chị nêu ra. Chị bảo Hội Nhà văn không làm như thế là “thụ động yêu nước”, không thể “thể tất”! Quả thật, đó là một suy nhận định nông nổi, chưa hiểu thấu công việc đối ngoại “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, cần sự kiên quyết và tinh tế, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi khẳng định Hội Nhà văn hoàn toàn không “bình chân như vại” như chị nhận xét mà có nhiều hoạt động tích cực trong sự kiện này, như cử hội viên tham gia các đoàn đi Trường Sa để viết về biển đảo, tổ chức để hội viên viết bài kiên quyết phê phán hành động sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc, trích tiền lương đóng góp vào quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, đồng thời cũng phê phán những hành động cực đoan sai trái mượn cớ “biểu tình yêu nước” để phá hoại tình hữu nghị và chính sách đối ngoại, đầu tư, mà chúng ta đã phải chấn chỉnh, như thực tiễn đã xảy ra trên địa bàn thành phố và một vài tỉnh lân cận. Chúng tôi cho rằng đây không chỉ là nhận định, quy kết không chính xác, thiếu tôn trọng tổ chức mà còn là sự xúc phạm tới những hội viên khác không hành động như kiểu chị muốn áp đặt!

2. Về công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng TP. Hồ Chí Minh” chị nhận xét rằng “Hội Nhà văn thành phố” chỉ là đơn vị “thêm vào cho phù hợp” (!). Sự thật là, ngay sau khi xuất hiện ý tưởng, từ bước sơ khởi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Chủ tịch Hội Nhà văn đã bàn bạc nhiều lần về nội dung, cấu trúc công trình, tiêu chí tuyển chọn, dự thảo Đề cương, căn cứ theo sở trường của từng đơn vị để phân công nhiệm vụ, rồi mới thống nhất làm tờ trình lãnh đạo thành phố, đại diện lúc đó là đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng Ban Tuyên giáo ký giao kết. Điều này không chỉ Hội Nhà văn mà Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học là Giáo sư Mai Quốc Liên đều biết rất rõ. Cũng cần nói thêm Hội Nhà văn thành phố làm việc này vì tình yêu lớn với thành phố, những suy nghĩ sâu sắc tri ân các thế hệ hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng đời sống tinh thần cho công chúng thành phố, nhân 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chứ hoàn toàn không đơn giản là để “phù hợp về thủ tục” như chị nông cạn nhận định. Lê Tú Lệ lúc đó ở Phòng văn hoá văn nghệ của Ban Tuyên giáo, là “cầu nối” giữa bên A và bên B, tưởng chị biết khá rành, thế mà không biết vì mục đích gì lại xiên xẹo đi như vậy?

3. Qua lập luận, chị còn cổ vũ cho những nhóm văn chương gọi là “ngoài luồng” và dẫn chứng “riêng trong nhân sự Ban chấp hành nhiệm kỳ trước đã có 02 người tự lập ra nhóm văn chương của mình”. Đây không phải là lúc bàn đến những nhóm văn học khác, nhưng với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp thì nhiệm vụ trước hết của Hội nhà văn phải là đoàn kết, xiết chặt đội ngũ, nỗ lực sáng tạo để có được nhiều tác phẩm có giá trị cao, chứ không phải chia nhỏ để phân liệt. Là người trong tổ chức, chắc chị biết về nguyên tắc, quy chế thành lập hội, cần tự do mà phải chặt chẽ, nếu không sẽ là nguyên cớ hình thành những hội đoàn đi chệch tôn chỉ, chức năng, nảy sinh những kiểu như một vài tổ chức “độc lập” gần đây là rất nguy hại.

4. Chị Lệ có nói “thực lòng không thiết viết ra những dòng (của bài báo) này” và “vẫn còn coi mình là hội viên của Hội”, thì xem ra tình cảm và suy nghĩ với việc Hội lạnh nhạt thờ ơ và không tâm huyết gì. Từng là người có trách nhiệm với hoạt động Hội (khi ở Phòng văn hoá văn nghệ của Ban Tuyên giáo Thành uỷ), sao trước đây chị không góp ý, báo cáo lên cấp có thẩm quyền chỉ đạo uốn nắn kịp thời, nay lại công bố một bài báo như vậy. Chị Lệ có ý nhắc Hội nhà văn “cần lắm những tấm lòng”, điều đó chỉ đúng một phần, vì ở đây ngoài “tấm lòng” còn cần trí tuệ, ý thức chính trị, tính trung thực khoa học và sự nhạy cảm của người cầm bút nữa.

5. Cũng như nhiều hội chuyên ngành khác, Hội nhà văn thành phố đang trong quá trình tiến đến Đại hội lần thứ VII. Ban chấp hành Hội nhà văn khoá VI đã có các văn bản Báo cáo nhiệm kỳ vừa qua trình Đại hội. Những ưu điểm và khuyết điểm đều được soi rọi bởi cách nhìn nghiêm khắc, trung thực, không né tránh sự thật.

Chúng tôi cũng muốn nói thêm, người viết có thể sai, nhưng người biên tập, người chịu trách nhiệm cao nhất của tờ báo thì phải thận trọng, kỹ lưỡng. Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố mà Hội Nhà văn thành phố là một thành viên, cùng chung một Đảng đoàn, sát tầng nhau trong một số nhà, chẳng lẽ không nắm được tình hình, lại cho đăng một bài báo như thế, mà trong thời điểm nhạy cảm sắp bước vào Đại hội, chắc chắn sẽ gây rắc rối phức tạp không đáng có. Rất mong Ban biên tập và các Cơ quan lãnh đạo xem lại và chấn chỉnh góp phần cho Hội nhà văn làm tốt nhiệm vụ của mình.

T/M BAN THƯỜNG VỤ
HỘI NHÀ VĂN TP. HỒ CHÍ MINH
Chủ tịch Hội

LÊ QUANG TRANG

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

NVTPHCM- Nhà thơ Lê Tú Lệ hiện là Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật - Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM. Với tư cách Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, chị vừa gửi tới Bàn tròn xây dựng Hội bài Hội Nhà văn thành phố - cần lắm những tấm lòng vốn đã đăng trên báo Văn Nghệ TP.HCM ngày 07.5.2015. Bài viết nặng phần khuyết nhẹ phần ưu về hoạt động Hội, có nhiều vấn đề cần tranh luận, nhưng vì tôn trọng ý kiến của hội viên nên trangNVTPHCM đăng tải toàn bộ bài viết trước khi có bài trao đổi lại…

Bàn tròn xây dựng Hội:

Hội Nhà văn thành phố - cần lắm những tấm lòng 

                                                                                                                                                LÊ TÚ LỆ

Cách đây đúng 15 năm, cũng những ngày này, trên trang báo này, trong mục diễn đàn góp ý xây dựng Hội, tôi có một bài viết nhan đề “Đừng để chúng tôi rơi vào khoảng không”. Lúc đó, Hội Nhà văn TP.HCM chỉ có khoảng 200 hội viên, luồng gió đổi mới đã thổi vào mạnh mẽ dù hội nhập quốc tế chỉ mới bắt đầu, nhưng cách quản lý và tổ chức hoạt động của Hội Nhà văn thành phố đã bộc lộ một số vấn đề cần phải trao đổi. Sau ba nhiệm kỳ đại hội, Hội Nhà văn thành phố đã phát triển lên nhiều, số lượng hội viên lên tới gần 420 người. Những cây đại thụ của nền văn học đất nước, niềm tự hào của văn học thành phố, hầu hết đã ra đi trong khoảng thời gian này (Viễn Phương, Bảo Định Giang, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng...). Bên cạnh đó, một thế hệ viết văn làm thơ trẻ thuộc lứa 8x, 9x đơm hoa kết trái khá nhiều nhưng thích ở “ngoài Hội” cũng không ít. Thị trường văn học của thành phố và cả nước cũng vô cùng phong phú, sôi động. Thế nhưng lề lối quản lý và phương thức tổ chức hoạt động của Hội Nhà văn thì vẫn như 20 năm về trước, thậm chí có mặt còn kém hơn.
               
Trước hết về vấn đề tổ chức hội. Nếu như “truyền thống” từ lúc thành lập Hội đến nay chỉ có 05 cơ quan chuyên môn nhất thiết phải duy trì là Hội đồng Văn xuôi, Hội đồng Thơ, Ban Lý luận phê bình, Ban Tổ chức hội viên, Ban Kiểm tra và vài nhiệm kỳ sau này có thêm Ban Sáng tác trẻ, Ban Câu lạc bộ (nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã bỏ Ban này) mà mỗi Ban – Hội đồng chỉ có vài người thì với tốc độ phát triển và quy mô số lượng hội viên cùng mô hình tổ chức như vậy rõ ràng là bất kỳ một hội nghề nghiệp nào cũng không thể hoạt động hiệu quả được.

Kinh nghiệm các Hội khác như Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Điện ảnh... cho thấy từ hai ba nhiệm kỳ trước khi con số hội viên vượt quá 300, họ đều phải chuyển mình, hình thành nên các chi hội. Chính các chi hội mới trực tiếp quản lý hội viên, thực hiện thu hội phí, theo dõi tình hình sáng tác, tác phẩm. Nhiều chi hội của các Hội này còn hoạt động rất mạnh, tự tổ chức đi thực tế sáng tác, triển lãm tác phẩm, biểu diễn giao lưu với các đơn vị, địa phương... và tất nhiên các kế hoạch hoạt động của chi hội đều trên cơ sở kế hoạch chung của Hội.

Hội Nhà văn không có hình thức chi hội nên mọi hoạt động của Hội chỉ còn là hoạt động của một nhóm nhỏ hội viên gần gũi nhiều với Ban Chấp hành mà thôi. Hội không nắm được trong một năm có bao nhiêu tác phẩm mới (hoặc tái bản) của hội viên toàn Hội, tổng lượng phát hành, thể loại gì; thu hội phí ai đến nộp thì nộp, không nộp cũng chẳng biết làm sao; hội viên không được tổ chức sinh hoạt nghề nghiệp định kỳ... Trong bài viết cách đây 15 năm khi góp ý cho Hội, tôi đã dùng từ “sa lông” để chỉ kiểu điều hành hoạt động này. Rất tiếc là gợi ý (góp ý) của tôi cách đây 05 năm về việc nên hình thành các chi hội, lãnh đạo Hội không quan tâm.
               
Vấn đề thứ hai là phương thức tổ chức hoạt động. Trong khi xã hội không ngừng phát triển, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường có nhiều mối quan hệ thay đổi đến chóng mặt thì phương thức hoạt động của Hội Nhà văn thành phố không có thay đổi nào. Hoạt động của Hội hàng năm vẫn chỉ là xét đầu tư tác phẩm (mỗi bản thảo năm, bảy triệu), xét giải thưởng và xét kết nạp hội viên vào dịp cuối năm, tổ chức một trại sáng tác, in chung một hai cuốn sách (có năm không có cuốn nào), tổ chức một ngày thơ nguyên tiêu, có năm thêm một chương trình nhân kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và một vài hoạt động đột xuất khác nhưng tất cả các công việc trên đều là việc “đến hẹn lại lên” và hoàn toàn trông vào nguồn kinh phí từ ngân sách cấp.

Tư tưởng thụ động, trông chờ vào tiền nhà nước là nét “đặc thù” của Hội Nhà văn thành phố, nhất là nhiệm kỳ này. Nếu như ở nhiệm kỳ trước Ban Câu lạc bộ của Hội còn tổ chức được vài buổi tọa đàm tác phẩm, bàn tròn văn học, các chương trình thơ phối hợp với một số đơn vị tài trợ thì nhiệm kỳ này hoàn toàn vắng bóng, hoạt động quảng bá tác phẩm cho hội viên gần như tê liệt, hoặc như nhiệm kỳ trước mỗi năm Hội còn tổ chức được 02 trại sáng tác do lãnh đạo Hội tự thân vận động tìm nguồn... Một ví dụ điển hình về tính thụ động, đó là khi Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, cả nước sục sôi, văn nghệ sĩ thành phố cũng sôi sục. Sau đợt “biểu dương lực lượng” của văn nghệ sĩ tại Nhà hát thành phố do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thành phố tổ chức, hầu hết các Hội chuyên ngành đều hưởng ứng, tổ chức cho hội viên lên tiếng phản đối, quyên tiền ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu – Vì tuyến đầu Tổ quốc” rất rầm rộ. Riêng Hội Nhà văn thành phố bình chân như vại, một số hội viên phải “đi ké” chương trình của các Hội để biểu thị thái độ và lòng yêu nước của mình. Thụ động trong công việc còn thể tất được, thụ động yêu nước có thể tất được không?
               
Trong khi một số Hội khác với tư duy năng động, họ đã chủ động tìm tòi các phương thức nhằm đẩy mạnh xã hội hóa – là xu thế tất yếu hiện nay, thì Hội Nhà văn của chúng ta vẫn như đang hoạt động trong thời bao cấp. Nhìn Hội Mỹ thuật thành phố có năm tổ chức được 10 trại sáng tác kết hợp triển lãm tác phẩm ở khắp các tỉnh, thành mà trong đó hết 09 trại từ nguồn xã hội hóa rồi nghó lại Hội mình thấy buồn quá! Thật xót xa khi thấy các tác phẩm tốt của anh chị em hội viên, nhiều tác phẩm đạt giải cao như các cuốn đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 5 năm lần thứ nhất vừa qua hay cuốn tiểu thuyết của Văn Lê được trao Giải nhất 5 năm Bộ Quốc phòng vào đầu năm 2015, bị nhấn chìm trong biển sách văn học hàng chợ mà không có một động thái hỗ trợ quảng bá nào từ phía Hội. Việc quảng bá có thể là mở tọa đàm, bàn tròn văn học, tổ chức các buổi bình thơ giới thiệu tác giả - tác phẩm, nói chuyện chuyên đề tác phẩm cho sinh viên khoa văn các trường đại học hay dễ nhất là viết bài phê bình giới thiệu đăng trên các báo (có phải là việc của Ban Lý luận phê bình của Hội trong tình hình không còn Ban Câu lạc bộ để tổ chức các hoạt động bề nổi?)... nếu không giúp được cho việc bán sách thì ít ra cũng có những tác động nhất định đến công chúng, công luận.

Có cầu ắt phải có cung, tổ chức Hội không làm được những gì mà hội viên cần thì tất yếu “xã hội” sẽ làm thay. Việc hình thành hàng trăm nhóm văn chương này nọ “ngoài luồng” và trên mạng hiện nay là minh chứng. Chỉ riêng trong nhân sự Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ trước đã có 02 người tự lập ra nhóm văn chương của riêng mình!

Phương thức hoạt động của Hội xơ cứng và thụ động, vì sao? nguyên nhân nào? Có nhiều nguyên nhân nhưng tôi cho rằng vấn đề cốt lõi là tấm lòng của những người có trách nhiệm - là Ban Chấp hành Hội. Những việc tôi nêu ra đều đơn giản, dễ thấy và không khó làm. Các anh chị trong Ban Chấp hành Hội đều là những người có trình độ, có hiểu biết, có uy tín về nghề, một số còn rất tháo vát (tất nhiên ở các việc bên ngoài hoạt động Hội) nhưng để dành tâm huyết cho hoạt động Hội phát triển đi lên chẳng lẽ xa xỉ, khó khăn đến thế sao? Nói cho công bằng thì nhiệm kỳ vừa qua chỉ có một việc thể hiện sự chủ động của Ban Chấp hành, đó là cho ra đời và duy trì trang web dù chất lượng, nội dung của nó cũng còn có những cái phải góp ý thêm. Hội viên nào “nhớ Hội” thì dễ dàng vô đó để cảm nhận được rằng mình vẫn đang còn là hội viên. Đáng tiếc đã qua hết một nhiệm kỳ, trang web này vẫn hoạt động không phép dù lãnh đạo Thành ủy đã có văn bản chỉ đạo phải làm thủ tục cấp phép từ năm 2013. Còn công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh” - công trình “để đời” của Hội, lại do Giáo sư Mai Quốc Liên đề xuất và khi lãnh đạo thành phố ký Bản giao ước với vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học phải thêm đơn vị phối hợp thực hiện là Hội Nhà văn thành phố để cho... “phù hợp”!

Có người nói Hội Nhà văn là cái “hội tư tưởng”, điều này không sai bởi diễn biến tư tưởng xã hội qua lăng kính văn học là rõ nét nhất, nhanh nhạy nhất, toàn diện nhất so với 7 loại hình nghệ thuật còn lại. Chăm sóc cái phần tư tưởng sáng tác của hội viên có trách nhiệm vô cùng quan trọng của tổ chức Hội. Tư duy lãnh đạo phát triển như thế nào, hệ quả phát triển sẽ như thế ấy, văn học không ngoại lệ.

Dù thực lòng không thiết viết ra những dòng này nhưng bởi lẽ tôi vẫn còn coi mình là hội viên của Hội, mong rằng những phân tích trên đây sẽ đóng góp được ít nhiều để Hội Nhà văn thành phố tự đánh giá lại mình một cách nghiêm túc, có những giải pháp khắc phục để phát triển đi lên.

TP.HCM, tháng 4.2015

Nguồn: nhavantphcm.com.vn


Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

QUÊ TÔI

quê tôi uốn cong hình cánh cung
sông Đào sông nhà Lê buộc nghiêng vùng đất
căng phừng bắn đói nghèo và ngoại bang xâm lược
quê tôi mênh mông lúa khoai mướt mát
màu xanh vui reo giữa miếu cổ đền đài

giếng đầu làng như đôi mắt tinh anh
nhìn trước nhìn sau
nhìn ngang nhìn dọc
nhìn trời cao đất thấp
quê tôi vươn dài rộng sức vóc

cây gạo quê tôi cứ hè về hoa ngồi thắp lửa
đêm đêm trai gái chuyện trò
qua chiếc cầu tình yêu
chia tay
ngày mai lên đường ra mặt trận

sông nước quê tôi mùa trong mùa đục
những cánh buồm no gió ngược xuôi
chở miếng ăn
chở tình người ăm ắp
đến mọi nơi qua ấm áp câu hò

nhớ những ngày nhổ năn nhổ lác Nhã Đu, Bạch Thủy
những ngày phát rạ cuốc đất dọc Chiểm đồng Đôm
và đập đất đồng Bông đồng Chạ…
hè úp mặt ngoài đồng chân bơi trong nước bỏng
đông phơi mặt ngoài ruộng chân lội trong nước cóng
đổi gian nan lấy hạt thóc củ khoai
cánh đồng trâu bò đứng nhe răng thư giãn
đàn sáo tưng tưng hót trên cổ trên sừng
chim két vịt trời bơi trong Mau ngước nhìn cái nơm cái giậm
đàn cò rỉa lông soi bóng tự tình 

những đứa con quê tôi lớn lên trong ổ rơm ổ rạ trong sài lở nhóc nheo
vẫn hồn nhiên cười đùa bắt cua mò ốc
ăn không no mặc không ấm đi qua khó khăn nặng nhọc
dành dụm thời gian miệt mài sách vở
thoắt cái thành nhà khoa học nhà thơ …
ở Hà Nội, Sài Gòn và miền Trung Nam Bắc
làm rạng danh mảnh đất quê mình

Phúc Triền, quê tôi ân nghĩa nặng tình
dẫu trầm lặng cũng gồng mình qua biến đổi
biết bỏ qua những lỗi thời nông nổi
bay cao